Sự nghiệp Thanh Tâm (nghệ sĩ đàn bầu)

Sự nghiệp biểu diễn

Thanh Tâm tốt nghiệp cấp học Trung cấp năm 1971 và tiếp tục học Đại học từ năm 1978 đến năm 1981, sau đó bà trở thành giảng viên chính quan trọng của chuyên ngành đàn bầu và là Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).[3] Bà bắt đầu biểu diễn từ năm 3 Đại học, ban đầu có sự thành công nhất định nhưng cũng có lúc gặp những trắc trở. Khi vừa mang đàn lên sân khấu biểu diễn tại Phủ Lý, bà từng bị một số khán giả mỉa mai và bị ép phải đi xuống.[5]

Sự nghiệp biểu diễn đàn bầu của bà nổi tiếng với những tác phẩm như "Cung đàn đất nước" (nghệ sĩ nhân dân Xuân Khải); "Vũ khúc Tây Nguyên" (Đức Nhuận); "Ru con" (dân ca Nam Bộ). Bà cũng là nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam ra mắt đĩa CD âm nhạc về thể loại âm nhạc dân tộc. Đĩa CD của bà mang tên "Tiếng đàn bầu Thanh Tâm" đã được Nhà xuất bản Âm nhạc thu âm và phát hành đã trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất tại Việt Nam trong những năm 1990.[3] Trong một lần biểu diễn chương trình giao lưu nghệ thuật tại quảng trường ở Liên Xô vào năm 1974, bà đã được có các cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô đứng che ô tránh mưa để biểu diễn.[6] Trong lần biểu diễn ở Liên hoan Sinh viên thế giới năm 1979 tại thành phố La Habana (Cuba), bà đã không thể xuống được sân khấu bởi khán giả yêu cầu chơi hết bài này đến bài khác.[1]

Thanh Tâm đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn trong và ngoài Việt Nam. Bà từng có cơ hội được trình diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân Hilary Clinton tới thăm Việt Nam, trong các yến tiệc cấp Nhà nước thết đãi Thủ tướng Nga Putin, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.[3]

Sự nghiệp giảng dạy

Thanh Tâm nguyên là Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc (nay là khoa Âm nhạc truyền thống) của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục công việc giảng dạy bộ môn đàn bầu.[4] Trong sự nghiệp giảng dạy, Thanh Tâm đã nghiên cứu, biên soạn và đồng biên soạn nhiều giáo trình, giáo án cho đàn bầu ở các cấp học cũng như sưu tầm, tổng hợp các tác phẩm như 2 tập "Đàn bầu cho tuổi học đường", 2 tập "Tuyển tập bài tập kỹ thuật cho đàn bầu", "Tuyển tập dân ca, ca khúc và tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn bầu độc tấu";[7] "Sách học đàn bầu", "Tiếng đàn bầu"…[3] Những năm đầu thập niên 2020, bà đã dành nhiều công sức cho cuốn sách "Giáo trình đào tạo tài năng hệ trung cấp chuyên ngành đàn bầu" và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao.[1]

Một số học trò của bà cũng đã nổi tiếng với cây đàn bầu cùng những loại hình nghệ thuật khác như Thái Bảo, Lệ Giang, Bùi Lệ Chi, Đăng Dương[8]

Đàn bầu tại Việt Nam

…“đàn bầu đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội [...] Với những truyền thuyết ấy, là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn Bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, giai điệu chậm rãi da diết nhưng không quá bi ai, vật vã..."

Thanh Tâm, báo điện tử Đại đoàn kết, 30 tháng 10 năm 2016[9]

Thanh Tâm từng tỏ ra lo lắng trước vấn đề đàn bầu "mất chủ quyền văn hóa" tại Việt Nam. Nữ nghệ sĩ đã đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là một giá trị văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam.[10] Theo một số nghệ sĩ và nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó có Tô Ngọc Thanh thì việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam là việc cấp thiết, bởi theo họ "càng để lâu càng mất chủ quyền với cây đàn bầu". Theo lời Thanh Tâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã đưa đàn bầu vào dạy trong các trường phổ thông.[11][12] Tại các buổi tọa đàm, hội thảo, những chuyên gia hàng đầu, am hiểu và gắn bó nhiều năm với đàn bầu, bà cùng NSND Nguyễn Tiến, NSND Hoàng Anh Tú, Đặng Hoành Loan… đã ra sức đưa những dẫn chứng, phân tích và lý giải chuyên sâu về cây đàn bầu tại Việt Nam.[9] Bà phát biểu đàn bầu là một "nhạc cụ thuần Việt nhất", độc đáo nhất của người Việt Nam và cũng được coi là một trong số những cây đàn độc đáo của thế giới bởi cấu tạo của cây đàn rất đơn giản.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh Tâm (nghệ sĩ đàn bầu) http://daidoanket.vn/xay-dung-ho-so-trinh-unesco-c... http://sovhtt.hanoi.gov.vn/nsnd-thanh-tam-ngan-mai... http://vanhoanghethuat.vn/tieng-viet-trong-am-nhac... https://web.archive.org/web/20140725061350/http://... https://web.archive.org/web/20170318024138/http://... https://web.archive.org/web/20220316032928/https:/... https://web.archive.org/web/20230308050538/https:/... https://web.archive.org/web/20230406125611/http://... https://web.archive.org/web/20230406125611/https:/... https://web.archive.org/web/20230406125614/https:/...